Rửa chén bát là việc làm gần như hằng ngày của nhiều người nhưng có ai tự hỏi liệu mình có đang rửa chén đúng cách? Hệ lụy của việc rửa chén không đúng cách là rước bệnh cho cả nhà mà không hề hay biết
Nhiều người cho rằng cứ rửa sao cho thật sạch là được, thậm chí họ còn tin tưởng rất cao chất tẩy rửa và lạm dụng nó. Những lỗi rửa chén nhỏ nhặt không gây ra hậu quả ngay lập tức nhưng “tích tiểu thành đại”, lâu ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Những phân tích sau đây sẽ giúp bạn lưu ý hơn trong lúc rửa chén để bảo vệ sức khỏe bản thân và cả gia đình.
Đổ nước tẩy rửa trực tiếp lên bát đĩa
Nhiều người vẫn đổ nước rửa chén trực tiếp lên bát đĩa khi rửa với mục đích làm cho chén đĩa sạch hơn. Điều này tuy đúng nhưng lại không được các chuyên gia và nhà khoa học khuyến khích bởi 2 lý do. Thứ nhất, làm như vậy rất lãng phí; thứ hai, làm như vậy rất dễ gây hại cho sức khỏe. Vì sao? Khi đổ nước rửa chén trực tiếp lên bát đĩa, nhiều khả năng sau khi tráng lại bằng nước, trên bát đĩa vẫn còn sót lại một lượng hóa chất từ nước rửa chén đáng kể. Nếu dùng bát đĩa này để đựng đồ ăn, các hóa chất còn sót lại đó có thể bám vào thức ăn, đi vào cơ thể, qua thời gian dài có thể gây bệnh tật.
Nên hòa một ít nước rửa chén vào nước sạch, khuấy cho đến khi sủi bọt rồi mới dùng dung dịch này để rửa bát đĩa hoặc cũng có thể cho một ít nước rửa chén vào miếng rửa chén ướt, vò cho lên bọt rồi mới rửa. Sau đó rửa lại ít nhất 2 lần với nước sạch với một miếng lau rửa không có hóa chất tẩy rửa.
Liệu bạn có rửa chén đúng cách? Ảnh: Todayhome
Ngâm bát đĩa trong nước rửa chén quá lâu
Với những chiếc bát đĩa dơ, bạn thường ngâm chúng vào dung dịch nước rửa chén pha loãng một thời gian lâu rồi mới tiến hành rửa cho sạch hẳn? Đây là một nhầm lẫn khá tai hại. Thời gian ngâm vào dung dịch nước rửa chén càng lâu, nguy cơ các hóa chất thấm vào chén đĩa càng cao, đặc biệt là những sản phẩm làm từ tre, gỗ thì khi hóa chất thấm vào sẽ không có cách nào tẩy sạch được.
Những vật dụng bị sứt mẻ như chén, đĩa, đồ sành sứ nói chung khi được tẩy rửa bằng nước rửa chén, khả năng hóa chất còn bám lại trên bề mặt bị sứt mẻ rất cao, dù tráng lại bằng nước nhiều lần cũng khó sạch hoàn toàn được. Vì vậy, tốt nhất không nên sử dụng vật dụng đã sứt mẻ để đựng thức ăn.
Lấy quá nhiều nước rửa chén cho một lần rửa
Vẫn là tâm lý “sạch”, nhiều người lạm dụng nước rửa chén khi rửa bát đĩa một cách vô tội vạ. Trên thực tế, nếu dùng quá nhiều nước rửa chén cho một lần rửa, bạn khó lòng tẩy sạch các hóa chất bám trên chén đĩa sau vài lần tráng nước. Điều này có thể làm cho thức ăn bị nhiễm hóa chất khi bạn sử dụng chén đĩa này để đựng thức ăn cho lần sử dụng tiếp theo và hóa chất sẽ theo thức ăn đi vào cơ thể, tích tụ qua thời gian và gây bệnh.
Ngoài ra, dùng quá nhiều nước rửa cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Lượng hóa chất này khi được thải ra ngoài với số lượng lớn sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, kênh rạch... Vì vậy, sử dụng tiết kiệm nước rửa chén và các hóa chất khác cũng là một cách để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Sử dụng nước rửa chén không rõ nguồn gốc
Các sản phẩm tẩy rửa đều có chứa hóa chất độc hại nhưng các sản phẩm trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc cho con người hơn. Đó là vì những sản phẩm trôi nổi này có thể sử dụng các hóa chất độc hại bị cấm vì không được kiểm định chất lượng, hơn nữa, quá trình pha chế cũng không có quy trình rõ ràng, dễ gây các phản ứng hóa học sinh ra những chất độc hại khác.
Nhiều người nghĩ rằng tác hại của hóa chất chỉ khiến da tay khô ráp hơn. Song một số nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy các chất độc hại trong dung dịch tẩy rửa có thể thẩm thấu qua da, xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp. Hệ quả là làm da mỏng đi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến ung thư da và một số bệnh nguy hiểm khác. Vì thế, các bà nội trợ cần tìm hiểu thật kỹ về các chất trong thành phần chất tẩy rửa nhà mình. Tốt nhất tìm đến những thương hiệu uy tín, được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng.